Sự tác động qua lại giữa sức mạnh và luật pháp ở biển Đông chưa được hiểu một cách đúng đắn. Để phân tích các tranh chấp đối với các vấn đề về quyền hàng hải, chủ quyền đối với các hòn đảo và sự phân định ranh giới của các khu vực biển, chúng ta cần hiểu cách các nước định nghĩa và bảo vệ lợi ích địa chính trị của mình cũng như những cách thức mà luật pháp quốc tế ảnh hưởng đến các yêu sách và hành vi xung đột của họ. Bài viết này bắt đầu bằng những phân tích về sự khác biệt to lớn trong các cách giải thích giữa các nhà khoa học chính trị thiên về địa chính trị và các học giả có thiên hướng nghiêng về tính quy chuẩn hay pháp lý hơn . Sau đó, bài viết sẽ tìm hiểu về mặt lịch sử, sự phát triển của luật pháp quốc tế đã có ảnh hưởng đến các xung đột ở Biển Đông như thế nào. Bài viết đồng thời xác minh tính đan xen trong lịch sử giữa các quá trình xung đột và hoà dịu, và sự phát triển pháp lý dựa trên cả tập quán quốc tế và điều ước quốc tế. Ở đây chúng ta sẽ tập trung vào luật biển. Bài viết sẽ kết luận bằng cách thiết lập mối liên kết giữa hai dòng lịch sử, trong khi tìm cách xác định những cách thức mà luật pháp đã có ảnh hưởng nhất định đến hành vi xung đột. Liệu nó có làm trầm trọng thêm các tranh chấp bằng cách khuyến khích các yêu sách mâu thuẫn nhau? Hay liệu nó có thiết lập được các nguyên tắc và đưa ra được những định chế để giúp giải quyết các xung đột? Bài viết được viết với giả thuyết trong đó các câu trả lời cho các câu hỏi này của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cách mà chúng ta nhìn nhận viễn cảnh hoà bình của Biển Đông trong tương lai.
Lời giới thiệu
Trong tác phẩm có ảnh hưởng từ năm 1997, “Chia sẻ tài nguyên của Biển Đông” (Sharing the Resources of the South China Sea), Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke và Noel A Ludwig trên cơ sở hiểu biết đúng đắn về luật pháp quốc tế đã đề xuất hàng loạt các khuyến nghị cho một “cơ chế hàng hải lý tưởng” ở Biển Đông. Họ hi vọng những khuyến nghị đó sẽ "kích thích thảo luận mang tính xây dựng về một giải pháp toàn diện đa phương tạm thời" cho những "tranh chấp khó khăn và nguy hiểm” này.[1]
Tất cả các quốc gia có yêu sách trong khu vực trung tâm Biển Đông đều đã ký và phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea - UNCLOS), vốn đã sẵn sàng cho việc ký kết vào tháng 12 năm 1982 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 1996 khi được quốc gia thứ 60 phê chuẩn. Bằng nhiều cách họ cũng đã đóng góp cho sự phát triển của tập quán quốc tế thông qua các thoả thuận song phương và giải pháp có sự tham gia của bên thứ ba, và họ cũng chú ý cách thức mà các thoả thuận và giải pháp ở các khu vực khác trên thế giới tạo thành tiền lệ. Tựu chung, tất cả những điều này tạo thành một cơ chế pháp lý quan trọng. Tuyên bố của ASEAN – Trung Quốc năm 2002 về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (the 2002 Sino – ASEAN Declaration on the Conduct of Parties in the South China Sea - DOC) đề cập nhiều lần đến “các nguyên tắc được thừa nhận trên toàn cầu của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về luật biển năm 1982”[2]. Lời khẳng định tương tự được đưa ra trong phát biểu của các cuộc họp song phương. Do đó, trong chuyến thăm Bắc Kinh từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và Trương Chí Quân đã ký kết thoả thuận sáu điểm, tuyên bố rằng hai nước cần phải giải quyết tranh chấp lãnh hải “trên cơ sở pháp lý và nguyên tắc được ghi nhận trong luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”. Cả hai bên cam kết “hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc pháp luật.”
Thoả thuận Việt – Trung ngày 11 tháng 10 năm 2011 chỉ ra ba cách thức để tiến tới một cách tiếp cận quan hệ song phương lâu dài để giải quyết xung đột. Trước tiên hai bên cần giải quyết vấn đề về biên giới lãnh hải ở cửa Vịnh Bắc Bộ theo như thoả thuận phân định được hai nước ký kết vào năm 2000 về Vịnh Bắc Bộ. Thứ hai, họ cần thiết lập hợp tác trong các khu vực “ít nhạy cảm hơn”. Và thứ ba, lãnh đạo các đoàn đàm phán của 2 nước về vấn đề biên giới sẽ có những cuộc họp định kỳ hai lần một năm để đàm phán về những khác biệt song phương của họ, đồng thời tham thảo thêm ý kiến của các bên thứ ba.[3] Đây có vẻ là một kế hoạch thực tế và có tính xây dựng cho các cuộc đàm phán theo hướng thực chất, dựa trên luật pháp quốc tế. Thoả thuận này tiếp nối các nỗ lực hàn gắn quan hệ hai bên sau một vài sự cố nghiêm trọng giữa tàu của Trung Quốc và Việt Nam ở Biển Đông hồi đầu năm, dẫn đến một loạt các cáo buộc lẫn nhau giữa hai Chính phủ, các cuộc biểu tình giận dữ trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, và các nỗ lực chủ động của Việt Nam nhằm quốc tế hoá các tranh chấp ở Biển Đông bằng cách thu hút Mỹ và các cường quốc bên ngoài khác. Vụ việc chính xảy ra khi tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí trong các khu vực biển mà theo bất kì điều khoản nào của luật pháp quốc tế cũng đều thuộc thềm lục địa của Việt Nam. Phản ứng mạnh mẽ của Việt Nam đã gây sửng sốt ở Trung Quốc, nơi đã có nhiều cuộc thảo luận trên các blog, và thậm chí trên phương tiện truyền thông chính thống, về việc dạy cho Việt nam “một bài học” nữa – một ngụ ý rõ ràng về cuộc xâm lược năm 1979. Cho đến ngày 29 tháng 9 năm 2011, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cho phép tuần san Thời Báo Hoàn Cầu (Global Times) đăng tải nội dung xuyên tạc và kêu gọi Trung Quốc “đánh đòn phủ đầu” đối với Việt Nam.[4]
Khi thuật lại Thoả thuận sáu điểm thân thiện ngày 11 tháng 10 năm 2011, BBC đã bình luận rằng đó là những “mỹ từ” mà khó có thể đưa vào trong thực tế.”[5] Một vài học giả có thiên hướng địa chính trị cũng nghi ngờ về khả năng đạt được những giải pháp trên cơ sở về mặt pháp lý giữa các nước có xung đột gay gắt về tranh chấp chủ quyền. Trong cuốn sách xuất bản năm 2010 mang tên Địa chính trị và Tranh chấp lãnh hải ở Đông Á (Geopolitics and Maritime Territorial Disputes in East Asia), Ralph Emmers nói về nỗi lo sợ của Đông Nam Á về việc một ngày nào đó Trung Quốc có thể dùng sức mạnh hải quân đang lớn mạnh của mình để “giải quyết vấn đề chủ quyền bằng biện pháp quân sự”. Emmers dường như cũng tự khẳng định điều này có thể xảy ra. Ông cho rằng các nước liên quan đến tranh chấp vùng biển đã “sử dụng sai” Công ước về Luật Biển để “đơn phương mở rộng thẩm quyền về chủ quyền của họ” để “đảm bảo việc họ tiếp cận được các nguồn tài nguyên thiên nhiên” và “biện minh cho các yêu sách của mình…”[6] Có lẽ là hơi lạ khi gọi đây là “sử dụng sai” khi mà Công ước không chỉ cho phép mà thậm chí còn trông chờ các nước ven biển mở rộng thẩm quyền của họ về các tài nguyên biển và vùng đáy biển ra 200 hải lý tính từ đường cơ sở hợp pháp ven biển. Thềm lục địa thậm chí có thể mở rộng đến 350 hải lý nếu như địa mạo của đáy biển đáp ứng điều kiện nhất định, được xác định bởi Ủy ban Liên Hợp Quốc về Ranh giới Thềm lục địa (United Nations Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS). Việc một chính phủ xác định các phần mở rộng chính xác của tuyên bố chủ quyền về khu vực lãnh hải của họ là thực hiện đúng bổn phận dưới góc độ pháp lý, không phải là sử dụng sai. Dẫu vậy, Emmers vẫn có lý của mình. Gần như có rất ít nghi ngờ rằng quyết định tại Hội nghị lần thứ 3 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (the 3rd United Nations Conference on the Law of the Sea - UNCLOS III) 1973-1982 nhằm hợp pháp hoá những khu vực biển rộng lớn như thế đã góp phần làm gia tăng những tranh chấp biển trên phạm vi toàn cầu. Và đáng chú ý hơn ở đây là trường hợp mà vùng biển kín hay nửa kín như khu vực Biển Đông, nơi mà có nhiều quốc gia có bờ biển liền kề hoặc nằm đối diện nhau sẽ dẫn đến những yêu sách chồng lấn: Trung Quốc (cả Trung Quốc lẫn Trung Hoa Dân Quốc-Đài Loan), Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia.
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây
Stein Tønnesson, Giáo sư, Viện Nghiên cứu Hoà Bình Quốc tế, Oslo (PRIO), Na-uy;
Khoa Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Đại học Uppsala,Thụy Điển
Bản gốc tiếng Anh: “International Law in the South China Sea: Does it Drive or Help Resolve Conflicts?”
Bài tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ ba: “Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển trong Khu vực” do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia đồng tổ chức tại Hà Nội từ 4-5/11/2011.
[1] Mark J. Valencia, Jon M. Van Dyke and Noel A Ludwig (1997) Sharing the Resources of the South China Sea (Chia sẻ nguồn tài nguyên ở Biển Đông). The Hague: Martinus Nijhoff: 222.
[2] Do vậy, điểm đầu tiên ghi rằng. “Các bên tái khẳng định các cam kết của họ đối với mục địch và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, nguyên tắc 5 điểm chung sống hoà bình và các nguyên tắc được thừa nhận khác của pháp luật quốc tế được dùng như các tiêu chí cơ bản để điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.” Declaration on the Conduct of the Parties in the South China Sea. Appendix 5 (Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Phụ lục 5) trong Zou Keyuan (2009) China-ASEAN Relations and International Law (Quan hệ Trung Quốc - ASEAN và Luật pháp Quốc tế). Oxford: Chandos: 241
[3] “China, Vietnam sign accord on resolving maritime issues” (Trung Quốc, Việt Nam ký hiệp định về việc giải quyết vấn đề trên biển). Xinhua ngày 12 tháng Mười năm 2011.
http://news.xinhuanet.com/english2010/china/2011-10/12/c_131185606.htm(đăng ngày 24 tháng Mười 2011).
[4] Long Tao (nhà phân tích chiến lược của Uỷ ban Năng lượng Trung Quốc – China Energy Fund Committee), “Time to teach those around the South China Sea a lesson,” (Thời điểm để dạy cho những nước ở quanh Biển Đông một bài học). Thời Báo Hoàn Cầu ngày 29 tháng Chín năm 2011: “…Thật không may, mặc dù bị Trung Quốc đánh bại trong trận chiến ở quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974 và sau đó là chiến tranh Trung – Việt vào năm 1979, những lời lăng mạ của Việt Nam ở biển Đông hiện vẫn không bị trừng phạt. … có lẽ đã đến lúc chúng ta tranh luận, suy nghĩ trước và đánh đòn phủ đầu trước khi mọi chuyện dần vuột khỏi tầm tay. …Đối với những kẻ xâm phạm chủ quyền của chúng ta để ăn cắp dầu, chúng ta cần cảnh cáo họ một cách lịch sự và sau đó cần có hành động, nếu họ không đáp ứng. … ngoài đó có thể là một nơi lý tưởng để trừng phạt họ. Sự trừng phạt này chỉ nên hạn chế đối với hai nước là Philippines và Việt Nam, những nước đã và đang có những hành động quá khích trong những ngày qua. … Chúng ta nên chuẩn bị tốt một cuộc chiến quy mô nhỏ, trong khi cho phía bên kia cơ hội lựa chọn chiến tranh hay hòa bình.”
http://www.globaltimes.cn/NEWS/tabid/99/ID/677717/Time-to-teach-those-around-South-China-Sea-a-lesson.aspx (đăng ngày 25 tháng Mười năm 2011).
[5] Michael Bristow, “China and Vietnam sign deal on South China Sea dispute.” (Trung Quốc và Việt Nam ký thoả thuận về tranh chấp Biển Đông) BBC News ngày 12 tháng Mười năm 2011. http:// www.bbc.co.uk/news/world-asia-pacific-15273007 (đăng ngày 24 tháng Mười năm 2011)
[6] Ralph Emmers (2010) Geopolitics and Maritime Territorial Disputes in East Asia (Địa chính trị và Tranh chấp lãnh hải ở Đông Á). London: Routledge: 4, 19, 122.
- Ramses Amer, Việt Nam, Trung Quốc và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông: Đánh giá tác động của các sự kiện tháng 5-6 năm 2011[03/01/2012 17:06]
- Ian Storey, Những vận động trong nội khối ASEAN và tranh chấp biển Đông: tác động tới tiến trình DOC/COC và Đề xuất ZoPFFC[29/12/2011 16:32]
- Hasjim Djalal, Biển Đông: Hợp Tác vì An ninh và Phát triển Khu vực[26/12/2011 17:41]
- Mạng lưới song phương các khu bảo tồn giữa Việt Nam và Trung Quốc: Giải pháp thay thế cho lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông[25/12/2011 17:37]
- GS. Erik Franckx và Marco Benatar, Đường cơ sở thẳng bao quanh các đảo không cấu thành một quốc gia quần đảo[22/12/2011 17:36]
- GS. Raul C. Pangalangan, Những phát triển gần đây trong Luật đường cơ sở của Philippines[21/12/2011 16:38]
- GS. Robert C Beckman và Leonardo Bernard, Các Khu vực Tranh chấp ở Biển Đông: Triển vọng giải quyết bằng Trọng tài hoặc Ý kiến Tư vấn [15/12/2011 17:15]
- GS. Kuan-Hsiung Wang, Giải pháp cho tranh chấp nghề cá ở Biển Đông thông qua hợp tác và quản lý khu vực [13/12/2011 18:05]
- GS. Leszek Buszynski, Quốc tế hóa Biển Đông: Ngăn chặn và quản lý xung đột[12/12/2011 17:53]
- Daniel Shaeffer, Tại sao Trung Quốc nhất định cần Biển Đông cho riêng mình: Một quan điểm độc lập và hướng tới tương lai từ bên ngoài[11/12/2011 19:02]
- GS. Jon M. Van Dyke, Hợp tác khu vực ở Biển Đông[09/12/2011 18:23]
- TS. Koh Choong-suk và TS. Yearn Hong Choi, Vùng đặc quyền kinh tế trong các bài báo truyền thông và học thuật chủ yếu 2010: Biển Đông và các vùng biển khác[08/12/2011 17:29]
- TS. Vijay Sakhuja, Lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông[07/12/2011 17:14]
- Hà Anh Tuấn, ASEAN và tranh chấp Biển Đông[06/12/2011 19:30]
- TS. Renato Cruz De Castro, Cách tiếp cận thực dụng của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông: Tác động tới an ninh khu vực[06/12/2011 19:17]
- TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và an ninh hàng hải tại khu vực Biển Đông[05/12/2011 18:34]